Bữa cơm gia đình Việt Nam – Chất keo gắn kết các thành viên!

Là một trong những nét văn hóa truyền thống đẹp, bữa ăn gia đình có vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống của người Việt Nam. Bữa cơm gia đình Việt Nam là nơi gặp mặt, tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên, các thế hệ trong gia đình!

Bữa cơm gia đình Việt Nam tràn đầy ý nghĩa!

Đối với người Việt, bữa ăn gia đình là biểu tượng của sự gắn kết, yêu thương và sum họp. Sau một ngày làm việc, học tập, bữa cơm gia đình là nơi các thành viên quây quần, chia sẻ những câu chuyện trong ngày, rũ bỏ buồn phiền, động viên nhau… Từ đó mọi người xích lại gần nhau hơn. Hình ảnh gia đình ngồi quây quần bên nhau để ăn cơm, trò chuyên vui vẻ cho thấy sự hạnh phúc, hòa hợp!

Gia đình là nơi an toàn, ấm áp nhất mà bất kỳ ai cũng luôn hướng về sau một ngày dài mệt mỏi! Gia đình cũng chính là nơi luôn lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ chúng ta trong mọi việc! Gia đình là điều tuyệt vời nhất mà không gì có thể đánh đổi được!

bữa cơm gia đình Việt Nam tràn đầy ý nghĩa - Học Món Việt
Bữa cơm gia đình là nơi các thành viên, các thế hệ quây quần, sum họp sau một ngày dài!

Bữa ăn gia đình cũng là nơi ông bà, bố mẹ dạy con cháu về văn hóa giao tiếp ứng xử khi ăn. Khi ngồi vào mâm, mọi người sẽ mời nhau ăn cơm. Thường là con cháu sẽ là người đầu tiên mời người lớn trong nhà trước.

“Cháu mời ông bà ăn cơm ạ! Con mời bố mẹ ăn cơm ạ!”

Câu mời tưởng như đơn giản này không chỉ thể hiện sự lễ phép mà còn là câu nói thể hiện sự kính trọng của con cháu với người lớn trong nhà! Dựa vào tuổi tác của những người ngồi cùng mâm cơm mà lần lượt từ người nhỏ tuổi nhất sẽ mời cơm từ người lớn tuổi nhất: ông bà, cha mẹ, cô chú bác, anh chị… Lời mời cơm chính là câu nói đầu tiên mở đầu cho một bữa ăn, mở đầu cho những cuộc trò chuyện giữa các thành viên trong gia đình. Và chắc chắn rằng bất kỳ ai nghe thấy lời mời cơm từ con cháu cũng đều có cảm giác vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc và trân trọng bữa cơm gia đình mỗi ngày!

Trong bữa cơm, người ngồi ở đầu nồi (thường là người nấu cơm: bà hoặc mẹ) vừa ăn vừa để ý và phục vụ xới cơm cho cả nhà. Nếu như thấy thiếu thì sẽ ăn chậm lại hoặc ăn ít đi nhường cho các thành viên khác, luôn giữ không khí vui vẻ cho bữa ăn. Mỗi bữa cơm không chỉ để ăn no bụng mà còn tạo nên sợi dây gắn kết tình thân của các thành viên trong gia đình!

 

Bữa cơm gia đình Việt có gì?

Các món ăn gia đình Việt thường có cơm trắng nóng, thịt và các món rau củ. Chịu ảnh hưởng của nếp sống làng xóm và nền nông nghiệp lúa nước, các món ăn trong bữa cơm của người Việt rất bình dị, đa phần đều từ những thực phẩm gieo trồng, đánh bắt từ thiên nhiên. Đặc biệt, trong mâm cơm không thể nào thiếu món canh! Là một trong những điểm hết sức độc đáo trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, hầu như chỉ có người Việt Nam mới có cách ăn chan canh vào cơm. Cũng vì thế mà bữa ăn gia đình còn hay được gọi là “cơm canh”.

Để thêm vị cho bát cơm canh lại càng không thể kể tới một món ăn dân dã: “dưa cà” – một món ăn truyền thống đặc sắc của người Việt. Bên cạnh đó, cũng không thể thiếu các loại nước chấm như: mắm cá, mắp tôm, mắm tép tùy theo từng vùng miền và khẩu vị mỗi gia đình.

mâm cơm gia đình Việt đơn giản bình dị - Học Món Việt
Mâm cơm gia đình truyền thống Việt Nam rất bình dị, đơn giản!

Bữa cơm gia đình truyền thống không quan trọng ở sự thịnh soạn với các món ăn hay sự sang trọng mà quan trọng nhất là ở tấm lòng của người nấu! Thường thì người phụ nữ trong nhà sẽ phụ trách công việc nội trợ. Người phụ nữ là người giữ lửa cho gia đình. Họ không chỉ biết nấu ăn mà còn nắm rõ khẩu vị của mọi thành viên trong gia đình để bữa cơm ngon miệng và phù hợp. Không những thế, họ cũng luôn tìm tòi, khám phá các món ăn mới để tạo sự bất ngờ cho các thành viên và sự phong phú cho các món ăn.

Bên cạnh đó, khoảng thời gian chuẩn bị cho bữa cơm – quá trình nấu nướng cũng là lúc mà cha mẹ dạy con cái cách nấu ăn. Bữa cơm gia đình đa phần là các món đơn giản, vì vậy kỹ năng vào bếp, nấu nướng là một kỹ năng sống rất quan trọng dành cho các em nhỏ trong nhà dù là con trai hay con gái. Khi con tự biết nấu nướng, bố mẹ hoàn toàn có thể yên tâm khi chẳng may về muộn hoặc đi công tác. Không chỉ vậy, nhiều gia đình có con đi du học cũng rất muốn con mình học nấu ăn cơ bản để tự chăm sóc bản thân ở nước ngoài. Hơn thế, việc con cái cùng cha mẹ chuẩn bị bữa cơm cũng giúp vun đắp tình cảm và thể hiện sự chia sẻ công việc gia đình.

mẹ và con cùng vào bếp chuẩn bị bữa cơm gia đình - Học Món Việt
Quá trình chuẩn bị cho bữa cơm là lúc cha mẹ dạy con cái kỹ năng nấu nướng cơ bản đồng thời cũng chia sẻ công việc gia đình!

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, sự bận rộn trong công việc nhất là tại các thành phố lớn đã khiến cho nhiều người chọn cho mình những bữa ăn nhanh hoặc ăn tại hàng quán. Điều này rất tiện lợi nhưng nó cũng vô tình khiến cho người ta ít có cơ hội được ngồi bên nhau trong một bữa cơm thân mật!

Nhưng phần lớn trong tâm thức của người Việt Nam, tất cả đều hướng về mâm cơm gia đình. Bởi vậy, dù bận rộn suốt các ngày trong tuần, nhưng dịp cuối tuần các gia đình vẫn luôn cố gắng tụ tập cùng nhau ăn cơm. Đặc biệt là những dịp ý nghĩa như lễ, tết, giỗ… thì dù bận rộn hay làm ăn xa mọi người vẫn hướng về quây quần bên bữa cơm gia đình!

Bạn có muốn tự tay mình nấu bữa cơm ngon cho gia đình hàng ngày với những nguyên vật liệu đơn giản hay không? Hãy tham khảo Khóa học Nấu ăn gia đình của Học Món Việt đang được rất nhiều học viên lựa chọn tại đây nhé!

Gia đình là nơi hun đúc, giữ gìn những giá trị truyền thống của con người Việt Nam. Bữa cơm gia đình Việt Nam là nơi các thành viên sum họp, cùng chia sẻ để hiểu nhau hơn và gắn kết hơn với nhau! Đây là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam!