Ẩm thực Việt Nam vốn đã rất tinh tế, đa dạng, người Hà Nội lại càng trau truốt, tỉ mỉ với các món ăn, đặc biệt trong mâm cỗ Tết truyền thống. Cùng Học Món Việt đến với mâm cỗ ngày Tết của người Hà Nội để xem sự cầu kỳ và tinh hoa được thể hiện qua từng món ăn và cách bày biện nhé!
Tết Nguyên Đán – Tết sum vầy
Tết Nguyên Đán là cái Tết quan trọng nhất của người Việt Nam! Đây là dịp lễ mà bất kỳ người con nào sinh ra trên mảnh đất hình chữ S cũng đều mong đợi và hướng về! Tết Nguyên Đán là dịp cho gia đình đoàn tụ, quây quần và cùng nhau thực hiện những hoạt động truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc!
Tết Nguyên Đán (còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết) là dịp lễ đầu năm âm lịch quan trọng và có ý nghĩa nhất ở Việt Nam, cùng với văn hóa Tết Âm lịch của các nước Đông Á và Đông Nam Á. Trước ngày Tết, người Việt có các phong tục như “cúng Táo Quân” (23 tháng Chạp Âm lịch) và “cúng Tất Niên” (29 hoặc 30 tháng Chạp Âm lịch).
Vì Tết tính theo Âm lịch nên Tết Nguyên Đán của Việt Nam muộn hơn Tết Dương lịch (hay Tết Tây). Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).
Khi Tết Nguyên Đán đến dần, mọi người đều có thể cảm nhận được không khí Tết len lỏi và xuất hiện trong những hoạt động rất đỗi bình thường hàng ngày. Tại các thành phố lớn, lượng người sẽ thưa dần do người lao động về quê ăn Tết. Các chậu hoa mai, hoa đào, cây quất… dần xuất hiện trên các đoạn vỉa hè rộng phục vụ người mua sắm sớm.
Siêu thị, các cửa hàng thi nhau giảm giá. Thậm chí ngay trên những chương trình truyền hình quen thuộc trên tivi, logo của các kênh lớn cũng sẽ điểm xuyết thêm những bông hoa đào và hoa mai! Ngày nay, trên các mạng xã hội, cộng đồng mạng sẽ đùa nhau thông báo ngày hội dọn nhà toàn dân đang dần đến!
Tuy nhiên, nếu cần tìm ra hoạt động ngày Tết diễn ra phổ biến nhất thì chắc chắn đó chính là làm mâm cỗ ngày Tết! Mâm cỗ có thể xuất hiện trong nhiều dịp như: cưới xin, ngày giỗ, các ngày Tết khác… Nhưng mâm cỗ ngày Tết lại mang tính truyền thống, là nơi thể hiện tinh hoa văn hóa dân tộc nói chung và đặc trưng ẩm thực từng vùng miền nói riêng!
Và mâm cỗ ngày Tết của người Hà Nội là một trong những mâm cỗ in đậm bản sắc truyền thống và đòi hỏi sự tinh tế, cầu kỳ trong từng món ăn! Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Mâm cỗ ngày Tết của người Hà Nội có những gì?
Ẩm thực Hà Nội từ lâu đã rất phong phú, đa dạng nhưng nếu nhìn vào mâm cỗ Tết của người Hà Nội bạn vẫn sẽ thấy choáng ngợp bởi sự cầu kỳ không chỉ trong từng món ăn mà còn ở cách bày trí, sắp xếp!
Có ai đó từng nói rằng mâm cỗ Tết của người Hà Nội có số lượng các món ăn nhiều nhất trong các tỉnh thành miền Bắc. Chưa bàn tới điều này có đúng hay không, có một thực tế mà chắc chắc ai cũng gật đầu cái rụp khi nhìn vào mâm cỗ Tết của người Hà Nội đó là: Rất nhiều món! Nhìn vào mâm cỗ, bạn sẽ thấy không chỉ số lượng món nhiều mà còn đủ màu sắc và đủ các món: canh, xào, luộc… Chưa kể nước chấm thôi cũng có tới hai, ba bát, đĩa khác nhau!
Theo truyền thống, mâm cỗ ngày Tết cần có tứ trụ: phải có bốn bát bốn đĩa, không kể xôi, nước chấm, dưa hành. Bốn bát bốn đĩa tượng trưng cho bốn mùa và bốn hướng. Những gia đình khá giả có thể làm mâm cỗ to hơn với sáu bát sáu đĩa hay tám bát tám đĩa. Các món bày trên đĩa thường được mang ra dùng ăn trước, các món trong bát thì ăn sau.
Không chỉ cầu kỳ về các món ăn trên mâm cỗ Tết, người Hà Nội còn rất kỹ lưỡng trong việc chọn nguyên liệu và trình bày, trang trí món ăn trên mâm. Một mâm cỗ Tết ngon và đẹp cần phải chú trọng ngay từ khâu chọn lựa nguyên liệu, tiếp theo là chế biến và trình bày các món ăn sao cho hài hòa, đẹp mắt! Đặc biệt các món ăn trên mâm cỗ cũng thể hiện nét khí hậu đặc trưng ngày Tết miền Bắc: tiết trời se lạnh. Vì vậy mà các món ăn thường nóng sốt và cung cấp nhiều năng lượng.
Mỗi nhà mỗi năm mỗi khác, nhưng có những món ăn trở thành đặc trưng không thể thiếu ngày Tết. Mâm cỗ ngày Tết truyền thống của người Hà Nội nói riêng và của người miền Bắc nói chung thường có các món đặc trưng như: bánh chưng, xôi gấc (hoặc xôi đỗ xanh), gà luộc, giò, canh măng, canh bóng, dưa hành…
Với người Hà Nội, mỗi món ăn trên mâm cỗ Tết mang một ý nghĩa riêng. Bạn có biết những món ăn đặc trưng trên mâm cỗ ngày Tết của người Hà Nội có những món gì, khâu chuẩn bị như thế nào và ý nghĩa của từng món hay không? Cùng nhau tìm hiểu nhé!
Những món ăn truyền thống và ý nghĩa trên mâm cỗ ngày Tết của người Hà Nội
Bánh chưng, dưa hành
Nhắc tới món ăn ngày Tết, chắc chắn bánh chưng là món đầu tiên hiện lên trong tâm trí mỗi người! Không có bánh chưng, mâm cỗ Tết sẽ thiếu một hương vị rất đặc trưng!
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh
Hai câu ngắn gọn nhưng nêu đủ những thứ rất đặc trưng trong ngày Tết, thể hiện mong ước một năm đủ đầy, hạnh phúc và ấm no. Ngày nay, sự phát triển của xã hội khiến cho một vài thứ như cây nêu hay pháo không còn hiện diện nhưng bánh chưng và dưa hành thì cứ lưu truyền mãi!
Để có một chiếc bánh chưng ngon, cần phải chọn được nguyên liệu tươi ngon gồm có: gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ và hạt tiêu. Tiếp theo là phải chọn lá dong. Lá dong cần phải tươi, có độ dai, không bị giòn. Nên chọn lá có màu xanh đậm với phiến là to để gói được nhân bên trong. Lá dong sẽ giúp bánh chưng có màu xanh đặc trưng. Tuy nhiên một vài gia đình cũng thường giã lá giềng hòa với nước và rưới lên trên gạo nếp để bánh chưng có màu xanh tươi rõ hơn và đẹp hơn!
Bánh chưng sau khi gói xong sẽ được xếp vào nồi. Dưới đáy nồi thường được rải một lớp cuống lá dong để bánh không bị sát vào nồi khi luộc. Khi luộc, toàn bộ bánh phải ngập trong nước. Thời gian đun là 10 tiếng kể từ khi nước bắt đầu sôi. Chưa hết, bánh sau khi vớt sẽ được xếp ra ngoài và lấy vật nặng đè lên để bánh có được độ dền.
Bánh chưng mang ý nghĩa thể hiện sự biết ơn với tổ tiên và đất trời nơi sinh sống! Được làm từ gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn, bánh chưng là biểu tượng của Đất – nơi con người sinh sống, làm ăn. Cái dẻo của gạo nếp, mùi thơm của đỗ xanh, vị béo của thịt lợn điểm xuyết vị cay và thơm của hạt tiêu hòa quyện với nhau tạo nên một hương vị rất độc đáo của chiếc bánh truyền thống dịp Tết của người Hà Nội!
Có bánh chưng thì không thể thiếu dưa hành – món ăn kèm tuyệt vời thể hiện sự tinh tế của người Hà Nội! Ngày Tết đầy ắp các món ăn ngon, nhưng để đỡ bị ngấy và đầy bụng thì các gia đình sẽ ăn cỗ cùng với dưa hành muối chua. Dưa hành muối chua vừa kích thích vị giác vừa gia tăng hương vị cho các món ăn khác!
Thịt gà luộc
Ngay sau bánh chưng, dưa hành phải kể tới thịt gà luộc. Thịt gà luộc góp mặt trong hầu hết các mâm tiệc, mâm cỗ hay mâm cơm giỗ.
Gà dùng để làm cần phải chọn được con gà đẹp. Gà trống thì mào phải to và đỏ, ức cao, lườn không nhọn và nếu lựa được gà được cho ăn ngô thì da sẽ có màu vàng đẹp! Luộc gà phải để nhiệt độ vừa phải. Cho một ít muối cùng gừng đập nhỏ vào nồi. Khi thả gà vào nồi để luộc thì nước phải ngập hết gà. Thời gian để luộc khoảng từ 45-60 phút.
Từ xưa, dâng cúng thịt gà luộc được tin rằng sẽ mang đến khởi đầu may mắn, thuận lợi, cầu gì được nấy và phúc đức đủ đầy. Gà thường được luộc nguyên con để cúng tổ tiên. Sau đó, gà luộc vàng ươm được chặt thành nhiều miếng đều tay và xếp lên đĩa cho đẹp mắt.
Cuối cùng đĩa thịt gà sẽ được rắc lên những sợi lá chanh thái chỉ mỏng dính. Gia vị ăn kèm với món thịt gà luộc không thể thiếu đĩa muối tiêu chanh ớt tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn rất đỗi quen thuộc này!
Giò chả
Người Hà Nội thường hay dùng giò lụa, giò thủ hay chả quế. Là một món ăn gia đình thường ngày, nhưng tới ngày Tết, phải lựa chọn giò cẩn thận. Miếng giò ngon phải có màu sắc tươi tắn, cầm chắc tay, đậm mùi thịt và dễ cắt. Rồi tùy vào sự sáng tạo của người nấu cỗ mà khoanh giò chả sẽ được cắt thành các miếng đều nhau và bày biện trên đĩa sao cho đẹp mắt!
Đối với người VIệt, giò chả tượng trưng cho trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà! Là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết, ông cha ta quan niệm giò chả biểu trưng cho sự phú quý và giàu sang! Giò chả thường được chấm cùng với nước mắm để tăng thêm hương vị khi ăn.
Nem rán
Món ăn cầu kỳ nhất trong mâm cỗ ngày Tết không gì khác ngoài nem rán! Đây cũng là món ăn thể hiện sự cầu kỳ và tỉ mỉ rõ ràng nhất của người Hà Nội. Chuẩn bị nguyên liệu đã mất công thì chế biến còn kỳ công hơn thế nữa.
Đầu tiên, hành tây, cà rốt, nấm hương, mộc nhĩ phải được thái nhỏ, thịt cũng băm nhỏ và ngâm miến rồi cắt ngắn. Toàn bộ nguyên liệu sẽ được cho vào trong một cái nồi hoặc bát to, đập một quả trứng vào, thêm gia vị vừa vặn rồi trộn đều lên. Cái tinh tế ở đây là nguyên liệu toàn đồ sống nhưng phải cho gia vị sao cho thật vừa. Và cách cho gia vị được truyền lại từ đời này qua đời khác. Không những vậy, mỗi nguyên liệu có thành phần nhiều hay ít cũng có thể điều chỉnh cho phù hợp với sở thích của gia đình!
Sau khi trộn đều chúng ta sẽ được phần nhân nem. Bước tiếp theo người nấu sẽ lấy một ít nhân cho lên một miếng bánh đa mỏng và cuốn. Nghe có vẻ đơn giản nhưng cuốn nem phải cuốn sao cho đều tay, lực dùng phải vừa đủ; nhiều lực quá sẽ làm rách miếng bánh đa mỏng, còn ít lực sẽ khiến chiếc nem dễ bung ra và không chắc chắn.
Những chiếc nem cuộn đều tay và chắc sẽ được đưa vào chảo rán nhỏ lửa cho tới khi chín vàng đẹp mắt. Và đó cũng là lúc mùi thơm đặc trưng tỏa khắp nơi khiến bất kì ai cũng thấy hấp dẫn!
Đi kèm với nem rán cũng có nước chấm riêng và cầu kỳ không kém! Đu đủ xan hoặc xu hào và cà rốt thái mỏng, tỉa hình hoa hoặc hình vuông trộn lẫn vào. Nước mắm, giấm, tỏi ớt giã nhỏ, đường được hòa trộn với nhau tạo nên một bát nước chấm không quá mặn, không quá ngọt, không quá chua, khi ăn sẽ cảm thấy mọi vị được hòa quyện với nhau!
Trong thời hiện đại, mọi người đều bận rộn với công việc thì việc làm một món ăn cầu kì như nem cũng ít hơn. Vì vậy, khi làm nem, đặc biệt vào ngày Tết, thường sẽ làm nhiều hẳn lên bình thường. Các chị em phụ nữ sẽ cuốn nhiều nem hơn, sau đó rán sơ một lượt, để nguội, cho vào hộp và cất vào tủ lạnh. Tới bữa cần thì chỉ việc lấy ra và rán tới khi chín. Rất tiện lợi và tiết kiệm thời gian!
Món nộm
Nộm cũng thường xuyên xuất hiện trên mâm cơm ngày Tết của người Hà Nội. Bên cạnh hàng loạt các món ăn khác, nộm giúp bớt ngán và kích thích vị giác.
Nguyên liệu làm món nộm rất giản dị: su hào, đu đủ xanh, cà rốt, dưa chuột, lạc giã nhỏ cùng một ít rau thơm. Điều đặc biệt là mỗi vùng, mỗi nhà, nộm sẽ lại được làm từ những nguyên liệu sẵn có và đặc trưng của vùng đó. Vì vậy, nộm rất đa dạng và phong phú: nộm hoa chuối, ngó sen, bắp cải…
Sau đó là khâu pha nước trộn gồm có nước mắm, tỏi, ớt, giấm, chanh, đường… để tạo vị chua ngọt nổi bật. Tiếp theo các nguyên liệu sẽ được cho vào và trộn đều. Cuối cùng, lạc sẽ được rắc lên trên cùng một ít rau thơm. Và ngay cả trong việc pha chế nước trộn này, hương vị cũng có thể khác nhau tùy vào mỗi nhà, mỗi vùng miền.
Ngày xưa, nộm được coi là món đầu vị trong mâm cỗ của người Hà Nội. Nộm khô nhưng mềm, ăn giòn là một trong những tiêu chuẩn quan trọng của đĩa nộm truyền thống. Khi ngồi vào mâm, gắp món nộm là món khai vị đầu tiên mới là đúng lối. Và trong tất cả các món ăn trên mâm cỗ, còn món nào thú vị hơn nộm? Vừa thanh vừa mát lại đủ vị ngọt, bùi, chua, cay!
Canh bóng, canh măng, miến nấu, chân giò hầm, nấm thả
Mâm cơm của người Việt lúc nào cũng phải có bát canh. Phổ biến nhất là canh bóng và canh măng. Măng ở đây là măng khô, phải ngâm trước nhiều ngày và đun sôi nhiều lần trước khi nấu. Bát canh mang đến hương vị ngọt nhẹ nhàng, thanh mát vừa chống ngấy vừa giúp ấm bụng ngày lạnh.
Trải qua nhiều thế kỷ, mâm cỗ ngày Tết người Hà Nội có những thay đổi với sự xuất hiện của những món ăn mới nhưng vẫn không thể thiếu những món ăn đặc trưng trên. Chỉ nguyên sự hiện diện của những món ăn này cũng đủ làm cho bất kỳ người nào cảm thấy hương vị Tết phảng phất! Và nét văn hóa truyền thống này sẽ còn được lưu truyền mãi cho những thế hệ sau để con cháu Hà Nội luôn ghi nhớ và tự hào về một nét văn hóa độc đáo và tinh tế đến vậy! Mâm cơm ngày Tết là bữa cơm sum họp gia đình lớn nhất trong năm, dù ai đi ngược về xuôi cũng về với gia đình để quây quần trong niềm hạnh phúc và cùng thưởng thức những món ngon ngày Tết!