Tết Trung thu là một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Là một trong những ngày Tết truyền thống, Tết Trung thu không chỉ là dịp để trẻ em được vui chơi mà còn là dịp để con cháu tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ, ông bà. Diễn ra vào ngày rằm tháng tám âm lịch hàng năm, nhắc tới Trung thu là sẽ không thể thiếu được mâm cỗ hoa quả, đèn lồng sặc sỡ và cả những chiếc bánh nướng bánh dẻo thơm ngon tượng trưng cho sự tròn đầy, viên mãn!
Trung thu là một trong những ngày lễ Tết lớn trong dân gian. Từ những năm 1121 thời nhà Lý, Tết Trung thu đã được tổ chức ở kinh thành Thăng Long với nhiều hoạt động vui chơi như đua thuyền, rước đèn lồng, múa rối nước… Bên cạnh những hoạt động hết sức thú vị thu hút cả trẻ em và người lớn, Trung thu còn đi kèm với những truyền thuyết dân gian về nguồn gốc ra đời như: Sự tích chị Hằng Nga, Sự tích chú Cuội, Sự tích Thỏ ngọc…
Ý nghĩa Tết Trung thu
Đối với người Việt Nam, vào dịp Trung thu, người lớn trong gia đình sẽ sắp xếp, bày biện một mâm cỗ để cho con trẻ mừng Tết. Đồng thời, cha mẹ cũng dắt con đi mua sắm những món đồ chơi đặc biệt chỉ riêng dịp này mới có như: đèn lồng, đèn ông sao, đèn cù… Tới tối, những ngọn nến nhỏ sẽ được thắp bên trong những chiếc đèn để trẻ em mang đi rước đèn khắp nơi dưới ánh trăng tròn. Các em nhỏ sẽ tụ tập cùng nhau với rất nhiều những chiếc đèn lung linh đủ sắc màu, đủ hình dáng, cùng nhau rước và phá cỗ. Bên cạnh đó là các trò chơi dân gian, hoạt động văn nghệ để các em vui chơi và hòa mình vào không khí ngày rằm tháng tám đặc biệt này!
Đối với mâm cỗ Trung thu, ngoài các loại hoa quả, một món ăn không thể thiếu đó chính là bánh trung thu: bánh nướng và bánh dẻo. Người xưa gọi bánh nướng, bánh dẻo là Nguyệt Bích hay bánh vầng trăng. Đêm trung thu, cả nhà quây quần bên mâm cỗ trung thu, cùng nhau ngắm trăng thu vằng vặc, uống chén chè thơm, ăn miếng bánh Nguyệt Bích. Trẻ con sẽ được đi rước đèn, được xem múa Lân, được tham gia văn nghệ, phá cỗ Trung thu…
Chiếc bánh nướng truyền thống “trong ngọt có mặn” với lớp vỏ được làm từ bột mì dạy men, trộn với trứng gà và rượu mai quế lộ, với nhân bánh thập cẩm, miếng mỡ béo ngậy, hạt dưa bùi bùi, lá chanh thơm thơm. Chiếc bánh dẻo được làm từ bột nếp trắng tinh nhồi với nước đường, nhân được làm từ hạt sen hay đậu xanh nhuyễn, nhân thập cẩm thơm nức mùi hoa bưởi. Bánh dẻo còn được nặn thành nhiều hình dáng khác nhau, nhưng thường là hình tròn thể hiện hính dáng của vầng trăng và biểu tượng của gia đình đoàn viên.
Ngày nay, bánh trung thu được làm với nhiều kích cỡ và hình dáng độc đáo, mới lạ và đẹp mắt. Nhiều người còn ưa chuộng loại bánh trung thu handmade vì giá rẻ, kiểu dáng lạ mắt và nguyên liệu phong phú.
Làm được một chiếc bánh trung thu tưởng dễ hóa ra không phải, chiếc bánh phải lưu giữ được hương vị đặt biệt. Bánh ra khuôn vừa vặn, sắc nét, có độ bóng và thật thơm ngon. Hơn tất cả, mỗi chiếc bánh, cái tình của người làm bánh gửi gắm trong đó sẽ làm chiếc bánh thêm đậm đà, ấm áp.
Trung thu còn là dịp để con cháu trong nhà tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ. Chính vì thế, với người dân Việt Nam, Tết Trung thu còn là Tết đoàn viên – ngày Tết mà dẫu ai đi ngược về xuôi cũng luôn cố gắng để về đoàn tụ cùng gia đình yêu thương của mình!